[ĐỔ LỖI]

hobaothu
[ĐỔ LỖI]


Trước hết ta sẽ nhìn thấy hai từ: ĐỔ và LỖI

Hãy hình dung về một người đang đứng làm bếp, hay dọn dẹp nhà cửa. Bàn tay của người thoăn thoắt gom gom, gọn gọn rồi mang những thứ không dùng được nữa hoặc không muốn dùng bỏ vào một chỗ chứa rồi mang cái túi này hoặc cái đang đựng đồ hết sử dụng đến mỗi chỗ gọi là sọt rác, bãi rác hay nơi chứa rác…một hành động đưa tay ra và đổ hoặc vứt đi. Đây chính là ý nghĩa của ĐỔ, một loại động từ có thể mang dáng vóc của người từ tốn và nhẹ nhàng với người thường xuyên đổ và một hành động thiếu chuyên nghiệp, bực dọc với người mới học học đổ hoặc không thường xuyên đổ thứ không dùng đi. Tuy vậy điểm chung của người đổ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp chính là những thứ mang đi đổ đều vốn đã nằm “trong nhà” của mình.


Lỗi, nghe đến lỗi thì không ai thấy vui cả bởi vì từ này mang tính sát thương từ tâm lý đến thể chất khá cao. Không ai muốn làm sai và thường mục tiêu hướng về làm đúng nhất ngay cả khi sai nhất thì từ lỗi như một cái khuyết bị mất không ai dám nhận nó là của mình trừ những ai biết mình lẫn người khác, không ai hoàn hảo. Tiếc thay hoàn hảo lại là một khát khao của tất cả dù không ai nhìn thấy được hoàn hảo là gì nhưng vì đó là khát khao nên ai cũng muốn đạt được những gì khó nhất. Lỗi là một khúc ruột thừa mà thà nó không được nhìn thấy chứ chỉ cần nó làm ổ bụng đau lên thì kiểu gì cũng phải cắt đi cho bằng được. Do vậy, lỗi là kẻ thù của sự hoàn hảo, kẻ thù của kẻ cầu tiến và là kẻ thù của kẻ không có khái niệm về cầu tiến và nghĩ mình vốn đã hoàn hảo lắm rồi. Nói chung lỗi là kẻ bị ruồng bỏ dù vai trò của lỗi là quyết định sự tự tin của nhân loại (nói lớn quá rồi thôi để hạ giọng xuống).


Vậy nên đổ lỗi nghĩa là: hành động của một người mang trên tay chiếc rổ đựng lỗi trong nhà của mình rồi mang ra chỗ nào giống bãi chứa rồi dùng toàn thân hất mạnh một cái để lỗi văng đâu thì văng.

Góc nhìn của một người đã trải nghiệm việc có đổ lỗi, có xin lỗi và có cả nhận lỗi: BẢN THÂN MÌNH.

‘Người bị đổ lỗi’ nói đơn giản thì chính là một bãi rác trong mắt người đi đổ lỗi: tôi từng vô thức xem người khác là bãi rác khi tôi đã vô tình đổ lỗi chưa nhận thức.

‘Người xin lỗi” nói đơn giản là người nhìn thấy cái lỗi mình từng đổ đi nên xin nhận về hoặc xin đại, hên thì được nhận về còn xui thì trở thành một bãi rác lúc nào không hay: tôi cố gắng học nhận lời cảm ơn nhưng không thể không xin lỗi vì không phải thánh nên dĩ nhiên tôi không thoát việc cũng là một bãi rác của ai đó.

Người chỉ nói “lỗi tôi” là người nhìn thấy cái lỗi của mình nhưng không có nghĩa là xin về hay đổ đi và cứ để cái lỗi hiện diện lơ lửng rồi tuỳ trường hợp để xử lý cái lỗi đó thôi: tôi hướng về cải thiện nên việc tôi xử lý cái lỗi trong thời gian dài hay ngắn cũng là việc tôi cứ làm và tôi sẽ luôn làm, chỉ vì đó là điều tôi sẽ sống chung mỗi ngày, tôi chọn nhận lời cảm ơn.

——

Câu chuyện má dạy con:

Má nói là con tốt thì con biết - Con xấu cũng chỉ có con biết.

Người hay đổ lỗi vốn là người đã có nhiều lỗi đến đầy nhà mình, nên chỗ nào họ thấy trống là tội gì không đổ bớt đi lỗi của mình. Mình biết nhận lỗi dù sai hay đúng thì cũng là một việc tốt. Tốt là khi mình không có lỗi mà vẫn nhận lỗi tức là giúp người đổ lỗi nhận bớt cái lỗi của họ, và khi mình sai mình nhận lỗi là mình giúp cho môi trường được trống trải một chút.

Nghe lời má: Nghe má nói vậy nên mình thường hay nhận lỗi trước và dạo này phát hiện mình làm sai nên thấy mình hơi thối.

Do đó mình lại dạy con:

“Khi ai đó muốn đổ lỗi cho con, trước khi con nhận lỗi thì con phải nói với họ rằng: không cần phải làm cho tôi cảm thấy có lỗi, vì cơ bản tôi chẳng cảm thấy gì hết và tôi rất tiếc khi bạn cảm thấy vậy m, nhưng bạn biết đấy cảm xúc cái ai người đó tự quản lý. Tôi nhận lỗi bạn đang đổ vào tôi vì dù sao nhà tôi cũng còn trống chỗ, cho bạn mượn chỗ để tạm cũng được nhưng mà đồ của mình có “gửi nhờ” thì nhớ lấy lại, bởi vì khi tôi vứt đi bạn sẽ phải nhặt nó từ người khác và lần đến khi bạn vô tình hốt phải lỗi từ người khác như cách tôi đang phải hốt lúc này, bạn sẽ khó chịu. Khi lỗi của bạn nằm trong nhà tôi, bạn còn biết cái lỗi đó là tự bạn đổ đi, khi bạn vô tình nhặt ngoài đường thì là do người khác đã nhặt từ chỗ tôi rồi họ đổ ở chỗ bạn, sự khó chịu của bạn đến từ “lỗi bạn được nhân 2 lần, tôi gọi đó là karma. Do vậy, tôi sẽ nhận lỗi thay vì xin lỗi bạn đã khiến bạn không vui”.

Giờ ta nên đổ lỗi nữa không hay xin một chút, nhận một chút?

“ Ta ghét lỗi vì lỗi khiến ta trông nhỏ bé nhưng khi ta không thừa nhận lỗi mình, nó lại khiến ta ngày một nhỏ bé hơn”.

_ Hồ Bảo Thư_


You may like