[KHIÊM NHƯỜNG THỰC THỤ]

hobaothu
[KHIÊM NHƯỜNG THỰC THỤ]

Cái giá để Em mua sự lớn lên của mình là bao nhiêu? 

Em mến! 

Mỗi một người trong chúng ta đều phải đi tìm kiếm mỗi ngày về những giá trị mà nếu ta không trả bằng tiền thì đó chính là thời gian. Để rõ hơn điều này em có thể nhìn quanh mình có vô số những lời khuyên, chỉ dẫn, sự ca thán, sự than khóc, sự tự hào và cả sự tiếc nuối. Đâu có ai tự dưng là có được những phần TRỊ nếu không tự họ đã có GIÁ đâu em. Cho nên khi cái GIÁ để trả cho sự lớn lên của mình mà Em còn thể đếm được, thì nó còn rất rẻ, bởi đã đang và sẽ có những người họ đã mất đến cả đời chỉ để nhận ra phần TRỊ mình có được. Hành trình của chúng ta là hành trình lớn lên dù muốn hay không, lớn về thể chất, lớn về tinh thần, lớn về sự nhận thức trong thế giới quan hay lớn bằng thế giới vật chất, đâu cũng là những phần TRỊ, mà chúng ta nếu không có tiền thì có thời gian trong một tài khoản được giới hạn, số tuổi. Khi em nghe “thứ tôi học được trong đời này là…” hay “tôi khuyên bạn nên..”, “bạn có biết….” tất cả đều là TRỊ mà họ có với một cái GIÁ đã được trả đi đấy em ạ. May mắn thay chúng ta không hề đơn độc trong hành trình tìm kiếm giá trị của bản thân mình, đó là lý do chúng ta có cộng đồng để mình giúp người rồi người giúp mình. Chúng ta gặp nhau đều là hai chữ, nếu không phải để mang về chữ TRỊ bằng cách trả GIÁ, thì phải trả một cái GIÁ để bên trong mình là những phần TRỊ; GIÁ TRỊ là vậy. Dù vậy tất cả tiêu cực hay tích cực đều mang ý nghĩa “giúp nhau một đoạn”. Không ai ở đây trên thế giới này để làm cho mình như mình muốn, và mình cũng không làm không công cho ai bao giờ, mọi thứ bỏ ra thì đều có thứ quay về, gián tiếp là chính còn trực tiếp là phụ, và thứ quay về ít hay nhiều lại tuỳ vào năng lực mỗi người. Không nên nhầm lẫn giữa sự tham lam của bản thân, với phần TRỊ mình nhận được. Sự công bằng không nằm ở tâm người mà nó nằm ở luật tự nhiên và cũng vì vậy nó nằm ở tâm của người, còn lớn hay bé cũng là do bản thân mình phải nhận thấy; em hay chị đều chỉ là những phần tử quá bé để hiểu được hết sự rộng lớn trong thế giới này. Hành trình mình đi không chỉ có cho và nhận, nhưng cũng từ đó mình lại hiểu tâm mình hơn; và biết ơn để chấp nhận, hay chối bỏ rồi vô ơn cũng đều do ý chí tự do hay định mệnh quyết định, mà cả hai thứ này vốn đã hiện hữu bên trong mình. Chị chỉ có thể nói rằng, chị luôn tự cổ vũ cho mình trong mọi hoàn cảnh và mong em cũng hãy làm điều đó cho bản thân mình nếu được thay vì cứ muốn người phải nhẹ nhàng ân cần tâng bốc mình hay muốn người phải nổi cơn thịnh nộ để giúp em nhìn ra được giá trị của bản thân. Chị có thể mất tiền thì chị vẫn nhận được trị, hoặc chị mất quỹ thời gian của mình chỉ để trị quay về, và chị biết em cũng như vậy dù sự chối bỏ hay chấp nhận đều nằm ở trong tâm trí của em. Mình không làm cho mình thì không ai làm cho mình cả, vì em biết đấy, sự cộng hưởng được giao thoa khi cả hai cùng làm, chứ nào phải hạ mình để nâng mình lên, bằng cách hạ người xuống. Nhưng bởi vì em bảo chị làm em tổn thương nên chị thấy đau trong lòng lắm, không phải vì lời em nói mà vì bởi chị nhận ra hành trình mình đi sao nhiều đau đớn quá, không phải ở nơi người mà ở tâm mình, ngộ là càng đau chị lại càng biết mình đi đúng đường. Chị không muốn thay đổi ai và chị không nghĩ mình có thể thay đổi được suy nghĩ của em, và chị cũng không muốn lý giải bản thân mình với bất cứ ai. Với chị, hiểu mình có TRỊ cao gấp ngàn lần, còn để người hiểu được mình chỉ là sự vô vọng. Dù vậy, cho phép chị được làm tổn thương em theo cách em nghĩ thêm lần nữa, để nói với em rằng: Trước khi mình làm việc lớn thì phải làm việc nhỏ, đừng ép mình nghĩ nhỏ nhưng hành động lại biểu lộ mình lớn và ngược lại. Em là người tốt và người sẽ được minh chứng là bản thân em. 

—-

[CÁI GIÁ THỰC HỌC VỀ KHIÊM NHƯỜNG CÓ KHI LÀ CẢ MỘT PHẨM CHẤT TRÁI NGHĨA VỚI KHIÊM NHƯỜNG: KIÊU NGẠO]

Em đã thiết lập tư duy về tính khiêm nhường rằng: “Có biết nhiều cũng đừng thể hiện quá và luôn nhường nhịn người khác”. Em mến! có khi em đã nhầm lẫn giữa khoe khoang và chia sẻ, thể hiện mình và xem thường người, nhường nhịn người và tôn trọng người… kiêu ngạo và khiêm nhường là hai con đường có chung một hành trình và sự khác nhau nằm ở [Từ Tính Nhân Từ]* em ạ. 

Chị đồng ý khiêm nhường là sự khiêm tốn và sự nhường nhịn. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bề nổi định nghĩa và nó chưa phải là pháp thực hành như em đang hành, và nếu em dừng lại ngắm nhìn thì cũng còn nhiều lắm những người tốt, đang đi lệch một hành trình muốn đến Khiêm Nhường, nhưng lại vô tình đi đến Kiêu Ngạo lúc nào chẳng hay. Đó là lý do khi em gặp một người “ÍT THỂ HIỆN VÀ HAY NHƯỜNG”, nhưng em có thể không xác định được ”THỰC THỤ KHIÊM NHƯỜNG” hay “KIÊU NGẠO ẨN GIẤU”. Cảm nhận này được biểu hiện bằng “cảm thấy không dám khẳng định về người 100%", có khi là thế; chúng ta hãy chờ xem.

Thôi thì vài dòng gửi em tiễn em một đoạn, hãy xem như cái GIÁ em đã trả là sức chịu đựng những lời nói của chị, và TRỊ mang về cho em, để em có thể không phải mất thêm 40 năm nữa cho sự lớn lên của bản thân mình, và sự nhận diện này vốn đang nằm trong tâm trí em nếu em cho phép nó hiện diện để giúp em. Đây chắc chắn là lời nói của những kẻ như chị, kẻ cố gắng nói trong đau đớn vì đã ôm sự oán hận và cả sự biết ơn của những ai đã, đang và sẽ có duyên hoà hay nghịch duyên, ta gặp nhau để cùng nhau lớn lên một đoạn.

Sự thật về Khiêm nhường có bề chìm là một pháp để dẫn đến KHIÊM NHƯỜNG THỰC THỤ:

“Khiêm nhường không đòi hỏi bạn phải hạ mình xuống, mà nó cần bạn nhìn thấy được vẻ đẹp từ bên trong mọi thứ hữu hình lẫn vô hình”.

-Hồ Bảo Thư-



You may like